Bệnh đường ruột là bệnh lý chiếm tỉ lệ lớn xuất hiện ở hầu khắp các đối tượng từ trẻ em đến người cao tuổi. Bệnh đường ruột có thể là cấp tính nhưng cũng có thể là một bệnh lý mạn tính nguy hiểm.
Nội dung bài viết
Bệnh đường ruột là gì?
Đường ruột của con người là một hệ thống ống dẫn dài 5-7m. Có chức năng hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn đồ uống để duy trì hoạt động sống của tế bào và cơ thể. Đường ruột của con người được chia ra làm 2 phần: ruột non và ruột già. Ruột non gồm tá tràng, hỗng tràng, hồi tràng; ruột già gồm đại tràng và trực tràng.
Bất cứ một tác nhân gây rối loạn chức năng tiêu hóa đều ảnh hưởng đến ruột. Tại đây xảy ra quá trình viêm, xuất tiết, kích thích tăng co bóp của lớp niêm mạc ruột và lớp cơ niêm gây ra các biểu hiện lâm sàng rất khác nhau.
Bệnh đường ruột là một thuật ngữ rất sâu rộng và mang tính khái quát cao. Tất cả những bệnh lý xảy ra ở đường ruột thì đều được gọi chung là bệnh đường ruột. Nói một cách dễ hiểu, bệnh đường ruột là những bệnh lý có vị trí tổn thương ở hệ thống ruột do nhiều nguyên nhân gây ra, triệu chứng lâm sàng thường đa dạng và khó phân biệt. Tổn thương chủ yếu xuất hiện ở lớp niêm mạc của ruột.
Cách phát hiện bệnh đường ruột
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đường ruột, thường gặp nhất vẫn là do chế độ ăn uống không hợp vệ sinh gây ra nhiễm khuẩn. Bệnh khởi phát với hiện tượng sốt, sốt từ nhẹ vừa đến cao tùy thuộc tác nhân sinh học. Đau bụng, buồn nôn, nôn kèm theo đi ngoài phân lỏng số lượng nhiều. Bệnh cảnh lâm sàng thường cấp tính, gây rối loạn nước điện giải rất lớn.
Các vi khuẩn thường gặp ở bệnh đường ruột bao gồm các trực khuẩn đường tiêu hóa (E.coli, lỵ, thương hàn..), rối loạn cân bằng hệ vi sinh đường ruột cũng là một yếu tố gây ra bệnh cảnh lâm sàng tương tự. Ngoài ra kí sinh trùng, các vi khuẩn hiếu khí đường ruột, các Mycoplasma… cũng là tác nhân gây bệnh.
Các yếu tố tâm lý, stress, căng thẳng gây rối loạn chức năng hấp thu của đường ruột. Biểu hiện bằng những cơn đau bụng, đau quặn lên thành cơn, đau có liên quan đến các yếu tố tâm lý như căng thẳng, lo lắng sợ hay sợ hãi… Các bệnh nhân thường có vẻ lo lắng, khí sắc trầm buồn, ngoài ra kèm theo các rối loạn về giấc ngủ. Đa số bệnh nhân có rối loạn tiêu hóa, đi ngoài hoặc táo bón, chán ăn, buồn nôn và có thể nôn.
Những trường hợp bệnh đường ruột có nguyên nhân là các yếu tố tâm lý rất đa dạng. Trên lâm sàng thường gặp nhất là hội chứng ruột kích thích. Điều trị cần nhiều thời gian và phối hợp nhiều phương pháp.
Một nguyên nhân có thể gây ra bệnh đường ruột cũng phải kể đến là thuốc đặc biệt là kháng sinh, các thuốc nội tiết và thuốc hạ mỡ máu. Cũng như vậy, các chất độc, các chất hóa học, kim loại nặng gây ra các tổn thương niêm mạch ruột gây ra các phản ứng viêm tại chỗ của biểu mô niêm mạc ruột mà gây bệnh. Thuốc kháng sinh làm mất sự cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
Triệu chứng chủ yếu của bệnh nhân thường là đau bụng, đau không có chỗ khu trú cố định, đau có thể quặn lên thành cơn. Đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày nặng hơn có thể xuất hiện đi ngoài ra máu. Cần thăm khám và theo dõi kỹ càng.
Bệnh đường ruột có nguy hiểm không?
Bệnh đường ruột thông thường sẽ tự khỏi sau khi loại bỏ tác nhân gây rối loạn. Cơ thể con người có cơ chế bù trừ để đảm bảo ổn định nội môi và an toàn về sinh mệnh. Tuy nhiên cũng có thể xảy ra rất nhiều biến chứng nếu không được tầm soát.
Các bệnh cấp tính do nhiễm khuẩn có nôn và đi ngoài, vì vậy đây là một nguyên nhân gây mất nước điện giải có thể trụy tim mạch và tử vong. Ngoài ra độc tố của vi khuẩn, virus, ký sinh trùng cũng có thể gây nhiễm độc thần kinh nếu không được điều trị kịp thời.
Biến chứng ung thư hóa cũng là một yếu tố nguy hại. Hầu hết những bệnh nhân có bệnh lý viêm đường ruột mạn tính đều có nguy cơ cao trở thành ung thư. Các ung thư này rất tiềm tàng và khó nhận biết, do đó bệnh nhân nên đi tầm soát ung thư thường xuyên sáu tháng một lần để phát hiện kịp thời.
Đường ruột là nơi hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn nên chức năng đường ruột có rối loạn thì nguy cơ suy dinh dưỡng là không thể tránh khỏi. Các vitamin cần thiết cho cơ thể như: A, B, D, E, K tham gia vào quá trình chuyển hóa cơ thể sẽ bị tụt giảm. Từ đó gây các bệnh lý khác cho cơ thể, hoặc cơ thể dễ bị cảm nhiễm vi khuẩn, virus… do sức đề kháng bị suy giảm.
Điều trị bệnh đường ruột như thế nào?
Khi xuất hiện các dấu hiệu vừa kể trên bệnh nhân cần đến thăm khác bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Bệnh đường ruột trước khi điều trị cần xác định rõ nguyên nhân gây bệnh để có những phương thức phù hợp.
Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn cần được dùng kháng sinh song song với đó là việc bổ sung men vi sinh giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Trường hợp ngộ độc cấp hoặc mạn tính cần thải độc bằng nhiều phương pháp khác nhau. Cân bằng tâm lý và giải tỏa căng thẳng cũng là một phương pháp điều trị bệnh.
Nói tóm lại bệnh đường ruột hoàn toàn có thể điều trị khỏi được vì vậy nên đi thăm khám sớm để có thể phát hiện và điều trị sớm tránh các biến chứng nguy hiểm.